Vay tiền ngân hàng mua nhà, dễ mà không dễ!

Hiện nay, có nhiều gia đình đang ở nhà thuê muốn vay thêm tiền ngân hàng để mua nhà. Tuy nhiên nhiều người vẫn đang còn phân vân giữa 2 phương án này. Vấn đề là nếu bạn đi vay tiền để mua nhà, đương nhiên là bạn sẽ phải chịu gánh nặng và áp lực về tài chính. Nhưng nếu không đi vay, thì biết đến bao giờ mới có thể an cư để lạc nghiệp?
          Liên kết với chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp kinh doanh/môi giới bất động sản để lấy thông tin về khách hàng mua nhà, nhân viên tín dụng hứa hẹn giải ngân nhanh và thủ tục đơn giản, lãi suất thấp... nhưng trong rất nhiều trường hợp, những rủi ro nếu khách hàng muộn/chậm thanh toán đã không được tư vấn một cách đầy đủ.  

Áp lực cho vay
         Việc có nhiều người vay mua nhà/căn hộ chung cư là một điều bình thường tại các nước có thị trường bất động sản phát triển. Theo đó, chỉ cần chứng minh có thu nhập ổn định từ tiền lương/công việc là người mua nhà có thể tiếp cận các khoản vay với thủ tục rõ ràng, minh bạch và thời hạn vay kéo dài từ 10 - 40 năm.
         Ở Việt Nam, việc vay tiền ngân hàng để mua bất động sản cũng có từ hơn 10 năm nay, nhưng chính cách làm quá chắc của các ngân hàng khiến cho việc tiếp cận gói vay này là rất khó khăn.
           Theo đó, công thức chung muốn vay là phải có tài sản thế chấp (sổ đỏ/giấy hồng nhà/đất; tài sản có giá trị khác) và cũng chỉ được định giá tối đa bằng 70% giá trị thực để tính toán cho khoản vay với lãi suất không hề thấp.
         Trong 1 - 2 năm trở lại đây, áp lực giải ngân ngày càng lớn cộng với sức ép từ lợi nhuận nghìn tỷ của các cổ đông lớn khiến cho các ngân hàng phải tìm mọi cách để giải ngân số tiền huy động từ trong dân cư (vốn có lãi suất thấp 5,5 - 6,5%/năm; thậm chí thấp 3,5 - 4,5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn 1 - 6 tháng) thông qua các gói tín dụng thương mại cho vay mua nhà với lãi suất cạnh tranh nhau sít sao.
         Ngân hàng lại chỉ muốn cho những người có mức thu nhập tốt vay để đảm bảo an toàn nguồn vốn, tránh nợ xấu phát sinh và nhiều ngân hàng yêu cầu khách vay gói vốn này phải chứng minh thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở lên. Vì “vướng” vào 2 điều khoản “đối nghịch” nhau này mà một số người đã “lỡ” đóng trước khoản tiền khoảng 20% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư, giờ “dở khóc dở mếu” vì không “xin” lại được tiền.
Cẩn thận khi ký hợp đồng.

         Các gói ưu đãi được quảng bá rất hấp dẫn. Tuy nhiên, lời khuyên đối những người có nhu cầu mua nhà mà chưa đủ điều kiện tài chính là việc tiếp cận các khoản vay này phải thực tỉnh táo, đủ thông tin cũng như có nguồn tiền trả ổn định thì mới nên đặt bút ký vào hợp đồng vay.
         Một thực tế mà nhiều người mua bất động sản không để ý hoặc không hỏi kỹ nhân viên tư vấn, đó là những hệ quả nếu như không có nguồn tài chính ổn định để thanh toán theo lịch trả nợ đối với ngân hàng. Trên thực tế, để đẩy nhanh việc giải ngân khoản vay cho khách, nhiều nhân viên tín dụng đã “lờ” đi thông tin về hệ quả pháp lý nếu khách hàng không trả khoản vay đúng hạn.
Khi tư vấn, họ chỉ giải thích các ưu điểm về mức lãi suất theo năm; mức lãi suất chênh lệch giữa đi vay - cho vay (chênh 3 - 4%/năm) khi so sánh để cho khách hàng thấy vay ở ngân hàng của mình là ưu điểm hơn, thủ tục nhanh gọn hơn; lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, có một hệ quả pháp lý là nếu khách hàng chỉ cần chậm thanh toán theo tiến độ đã cam kết, thì dù có gửi thông báo mà ngân hàng hàng không đồng ý thì khoản vay của bạn sẽ được xếp vào khoản nợ xấu và ngay lập tức, ngân hàng sẽ phối hợp với các công ty xử lý nợ xấu của mình tiến hành xử lý ngay tài sản của khách hàng.
         Thế nên mới có chuyện, vay tiền ngân hàng mua nhà hay đầu tư kinh doanh nhưng cuối cùng lại mất nhà; mất cả khoản tiền tích cóp của mình.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »